CHỈ DẪN KỸ THUẬT THI CÔNG | 01 – Công tác thi công beton cốt thép

ky thuat thi cong beton

Chỉ dẫn kỹ thuật thi công beton cốt thép là thông tin quan trọng đối với không chỉ đơn vị thi công mà cả chủ đầu tư và đơn vị thiết kế.

Các bước kỹ thuật thi công được chỉ dẫn sử dụng phổ biến xuyên suốt quá trình thiết kế đến thi công. Đảm bảo việc thi công đúng kỹ thuật, không có sai sót và khuyết đểm. Dưới đây là thông tin chỉ dẫn kỹ thuật thi công cho toàn bộ công tác Beton cốt thép kết cấu:

Công tác cốp pha và đà giáo

1. Yêu cầu chung

  • Cốp pha và đà giáo cần được thiết kế và thi công đảm bảo độ cứng, ổn định, dễ tháo lắp. Không gây khó khăn cho việc đặt cốt thép và đổ, đầm bê tông.
  • Cốp pha phải được ghép kín, khít để không làm mất nước xi măng khi đổ và đầm bê tông. Đồng thời bảo vệ được bê tông mới đổ dưới tác động của thời tiết.
  • Cốp pha và đà giáo cần được gia công, lắp dựng sao cho đảm bảo đúng hình dáng và kích thước của kết cấu theo quy định thiết kế.
  • Cốp pha và đà giáo có thể chế tạo tại nhà máy hoặc gia công tại hiện trường. Các loại cốp pha đà giáo tiêu chuẩn được sử dụng theo chỉ dẫn của đơn vị chế tạo.

2. Lắp dựng cốp pha đà giáo cần đảm bảo các yêu cầu

  • Bề mặt cốp pha tiếp xúc với bê tông cần được chống dính.
  • Cốp pha thành bên của các kết cấu tường, sàn, dầm và cột nên lắp dựng sao cho phù hợp với việc tháo dỡ. Đảm bảo không ảnh hưởng đến các phần cốp pha và đà giáo còn lưu lại để chống đỡ.
  • Trụ chống của đà giáo phải đặt vững chắc trên nền cứng, không bị trượt và không bị biến dạng khi chịu tải trọng và tác động trong quá trình thi công.
  • Khi lắp dựng cốp pha cần có các mốc trắc đạc hoặc các biện pháp thích hợp để thuận lợi cho việc kiểm tra tim trục và cao độ của các kết cấu.

3. Tháo dỡ cốp pha đà giáo

  • Khi tháo dỡ cốp pha, đà giáo, cần tránh không gây ứng suất đột ngột hoặc va chạm mạnh làm hư hại đến kết cấu bê tông.
  • Các kết cấu ô văng, công xôn, sê nô chỉ được tháo cột chống và cốp pha đáy khi cường độ bê tông đạt đủ mác thiết kế và đã có đối trọng chống lật.
  • Giữ lại toàn bộ (100%) cột chống & đà giáo ở tấm sàn nằm kề dưới tấm sàn sắp đổ bê tông. Tháo gỡ từng bộ phận cột chống (50%) của tấm sàn dưới nữa. Đối với các dầm có nhịp lớn hơn 4m, cần giữ lại các cột chống cách nhau tối đa 3m.
  • Hệ thống cột chống của tầng dưới phải được bố trí trực tiếp ngay dưới vị trí cột chống trên. Trừ phi được chấp thuận bởi Kỹ sư.
  • Trong quá trình tháo gỡ cốp pha, cho phép tháo gỡ cột chống nếu cần thiết. Tuy nhiên cần phải khôi phục lại các cột chống trước khi thi công sàn trên.
ky-thuat-thi-cong-beton-cot-thep
Các kỹ sư đang thực hiện công việc

Công tác gia công và lắp đặt cốt thép

1. Yêu cầu chung

  • Cốt thép dùng trong kết cấu bê tông cốt thép phải đảm bảo các yêu cầu của thiết kế. Đồng thời phù hợp với TCXDVN 5574:2012 Kết cấu bê tông cốt thép – Tiêu chuẩn thiết kế.
  • Cốt thép có thể gia công tại hiện trường hoặc tại nhà máy. Nhưng nên đảm bảo mức độ cơ giới phù hợp với khối lượng thép tương ứng cần gia công.
  • Không nên sử dụng trong cùng một công trình nhiều loại thép có hình dáng và kích thước hình học như nhau, nhưng tính chất cơ lí khác nhau.
  • Cốt thép trước khi gia công và trước khi đổ bê tông cần đảm bảo: Bề mặt sạch, không dính bùn đất, dầu mỡ, không có vẩy sắt và các lớp rỉ;
  • Các thanh thép bị bẹp, bị giảm tiết diện do làm sạch hoặc do các nguyên nhân khác không vượt quá giới hạn cho phép là 2% đường kính. Nếu vượt quá giới hạn này thì loại thép đó được sử dụng theo diện tích tiết diện thực tế.
  • Cốt thép cần được kéo, uốn và nắn thẳng.

2. Nối cốt thép

  • Việc nối buộc (nối chồng lên nhau) đối với các loại thép được thực hiện theo quy định của thiết kế.
  • Không nối ở các vị trí chịu lực lớn và chỗ uốn cong.
  • Trong một mặt cắt ngang của tiết diện kết cấu không nối quá 25% diện tích tổng cộng của mặt cắt ngang đối với thép tròn trơn và không quá 50% đối với cốt thép có gờ.
  • Trong các mối nối cần buộc ít nhất là 3 vị trí (ở giữa và hai đầu).
  • Cho phép dùng mối nối chồng và nối đối đầu bằng măng xông (coupler). Mối nối chồng nên dùng cho thép có đường kính nhỏ (dưới 18 mm). Mối nối bằng coupler nên dùng trong vách và cột. Đối với cấu kiện khác mối nối coupler nên dùng cho thép có đường kính lớn hơn hoặc bằng 18 mm.

Công tác bê tông

1. Các yêu cầu chung

  • Để đàm bảo chất lượng bê tông tốt và ổn định, bê tông dùng cho kết cấu chịu lực của công trình nên dùng bê tông thương phẩm
  • Cấp phối bê tông cần bảo đảm không xảy ra hiện tượng bê tông phân tầng. Cấp phối phải có khả năng đạt được bề mặt hoàn thiện như quy định.
  • Trong quá trình thi công công trình Đại diện Chủ đầu tư cũng cần kiểm tra và đổi vật tư. Hoặc tỷ lệ trộn nếu cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của kết cấu.
  • Việc sử dụng chất phụ gia nhằm làm cải thiện tính dễ sử dụng hay độ bền của bê tông. Việc này chỉ có thể thực hiện khi đư­ợc sự cho phép của kỹ sư­ t­ư vấn giám sát công trình.
  • Đơn vị thi công cần cung cấp những chi tiết về chất phụ gia mà đơn vị muốn sử dụng (đặc tính hoá học, cách thức sử dụng…)
  • Khuyến khích sử dụng các phụ gia giảm n­ước để tăng độ dẻo, cư­ờng độ và chất lượng bê tông.

2. Đổ và đầm bê tông

  • Không làm sai lệch vị trí cốt thép, vị trí cốp pha và chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép;
  • Bê tông phải được đổ liên tục cho tới khi hoàn thành một cấu kiện nào đó. Trừ có quy định chỉ đổ đến mạch ngừng.
  • Để tránh phân tầng, chiều cao rơi tự do của hỗn hợp bê tông khi đổ không quá 1,5m;
  • Khi dùng bê tông có chiều cao rơi tự do quá 1,5m thì dùng máng nghiêng hoặc ống vòi voi. Nếu chiều cao rơi tự do vượt quá 10m thì phải có ống vòi voi có thiết bị chấn động.
  • Ở những vị trí mà cấu tạo cốt thép và cốp pha không cho phép đầm máy mới đầm thủ công.
  • Khi trời mưa phải che chắn, không để nước mưa rơi vào bê tông.
  • Cột cao hơn 5m và tường cao hơn 3m nên chia thành nhiều đợt đổ bê tông. Nhưng phải đảm bảo vị trí và cấu tạo mạch ngừng thi công hợp lí.
  • Kết cấu khung nên đổ bê tông liên tục, chỉ khi cần thiết mới cấu tạo mạch ngừng nhưng phải theo quy định về cấu tạo mạch ngừng.
  • Khi cần đổ liên tục bê tông dầm, bản toàn khối với cột hay tường cần đổ xong cột hay tường. Sau đó dừng 1-2h để bê tông có đủ thời gian co ngót rồi mới tiếp tục.
  • Trường hợp không cần đổ bê tông liên tục thì mạch ngừng thi công ở cột và tường đặt cách mặt dưới của dầm và bản từ 2-3cm.

 3. Bảo dưỡng bê tông

  • Sau khi đổ bê tông phải được bảo dưỡng trong điều kiện có độ ẩm và nhiệt độ cần thiết. Mục đích để đóng rắn và ngăn ngừa các ảnh hưởng có hại trong quá trình đóng rắn của bê tông.
  • Bảo dưỡng ẩm là giữ bê tông có độ ấm để ninh kết và đóng rắn sau tạo hình.

Mạch ngừng thi công

1. Yêu cầu chung

  • Mạch ngừng thi công phải đặt vào vị trí mà lực cắt và mô men uốn tương đối nhỏ. Đồng thời phải vuông góc với phương truyền lực nén vào kết cấu.
  • Mạch ngừng thi công nằm ngang nên đặt ở vị trí bằng chiều cao cốp pha.
  • Trước khi đổ bê tông mới, bề mặt bê tông cũ cần được xử lý, làm nhám, làm ẩm. Trong khi đổ phải đầm lèn sao cho lớp bê tông mới bám chặt vào lớp bê tông cũ. Đảm bảo tính liền khối của kết cấu.
  • Mạch ngừng thi công theo chiều thẳng đứng hoặc theo chiều nghiêng. Vì thế cấu tạo bằng lưới thép với mắt lưới 5mm – 10mm và có ván khuôn chắn.
  • Trước khi đổ lớp bê tông mới cần tưới nước làm ẩm bề mặt bê tông cũ. Đồng thời làm nhám bề mặt, rửa sạch và khi đổ phải đầm kĩ để đảm bảo tính liền khối.

2. Mạch ngừng beton kết cấu cột, dầm, sàn

  • Mạch ngừng thi công ở cột nên đặt ở các vị trí sau:
    Ở mặt trên của móng
    Ở mặt dưới của dầm
  • Dầm có kích thước lớn và liền khối với bản thì mạch ngừng thi công bố trí cách mặt dưới của bản từ 2-3 cm.
  • Khi đổ bê tông sàn phẳng thì mạch ngừng thi công có thể đặt ở bất cứ vị trí nào. Tuy nhiên cần phải song song với cạnh ngắn nhất của sàn.
  • Khi đổ bê tông ở các tấm sàn theo hướng song song với các dầm phụ thì mạch ngừng thi công bố trí trong khoảng 1/3 đoạn giữa của nhịp dầm.
  • Khi đổ bê tông theo hướng song song với dầm chính thì mạch ngừng thi công ở bố trí ở trong khoảng giữa của nhịp dầm và sàn (Mỗi khoảng dài 1/4 nhịp)

Thi công bê tông trong thời tiết nóng và trong mùa mưa

  • Thi công trong thời tiết cao hơn 30o cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa. Song song là xử lý thích hợp đối với vật liệu. Quá trình trộn, đổ, đầm và bảo dưỡng bê tông để không làm tổn hại chất lượng.
  • Nhiệt độ tỏa ra của bê tông được khống chế khi trộn không lớn hơn 30o. Và khống chế khi đổ không lớn hơn 35oC.
  • Khi thi công trong mùa mưa cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
  • Phải có biện pháp tiêu nước cho đường vận chuyển, nơi trộn, nơi đổ bê tông.
  • Tăng cường công tác thí nghiệm xác định độ ẩm cốt liệu để kịp thời điều chỉnh lượng nước trộn. Đảm bảo giữ nguyên tỉ lệ (nước/ xi măng) theo tỉ lệ đã chọn.
  • Cần có mái che chắn trên khối đổ khi thi công bê tông dưới trời mưa.

Xem thêm trọn bộ: CHỈ DẪN KỸ THUẬT THI CÔNG
Những Chỉ dẫn kỹ thuật thi công công trình bởi CEEB, kỹ thuật xây dựng nhà cửa đúng tiêu chuẩn chất lượng.

BẠN CÓ THẮC MẮC? hÃY TRÒ CHUYỆN CÙNG CHUYÊN GIA

Tư vấn Kiến trúc & Xây dựng Online cùng chuyên gia của CEEB Architects.

XEM CHI TIẾT & TƯ VẤN

Rate this post